Thấy gì từ Công tác Dân vận hiệu quả của một Hiệu trưởng miền núi.

Lượt xem:

Đọc bài viết

         Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh ở địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, tích cực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục.       

         Xuất thân từ một gia đình có truyền thống giáo dục với cha và mẹ đều là nhà giáo. Năm 1995, chàng trai 20 tuổi quê Thanh Hóa tên Nguyễn Văn Ánh với ý chí nối nghiệp gia đình đã khăn gói lên đường Nam tiến vào đất Quảng Ngãi để theo học sư phạm tại trường Cao đẳng Sư phạm quảng Ngãi.

         Rời ghế nhà trường, đến năm 1999 anh được phân công công tác về trường Tiểu học Sơn Mùa. Trải qua muôn vàn khó khăn tại mãnh đất miền tây Quảng Ngãi những năm 90 của thế kĩ trước rồi anh trưởng thành và bén duyên thật sự với mãnh đất này bởi lòng yêu nghề, bởi nghiệp cầm phấn đã đi vào huyết quản của anh. Nhưng bởi sự khó khăn ấy đã tôi luyện cho anh những năng lực và phẩm chất của một người con gốc Bắc, với sự làm việc cần mẫn, tích cực và cống hiến. Những nổ lực ấy cuối cùng đã được ghi nhận, đến năm 2006 anh được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Mùa, khởi đầu cho quá trình làm công tác quản lý của anh.

         Có thể nói, ai đã từng công tác và làm việc cùng anh trong quản thời gian làm quản lý tại Sơn Mùa đều cảm nhận rằng anh là một người quản lí cực nghiêm khắc bởi lẽ phương châm sống của anh là “kĩ cương, tình thương và trách nhiệm, tất cả vì học sinh”. Vì thế ngôi trường THCS Sơn Mùa những năm anh làm quản lý có chất lượng giáo dục và thành tích các phong trào của giáo viên và học sinh đều dẫn đầu của huyện nhà. Thành công ấy xuất phát từ phong cách quản lí của anh, từ sự nổ lực không biết mệt mõi, từ sự vận động huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho các hoạt động trong nhà trường. Có thể nói, tuy là địa bàn miền núi, sự tham gia của các lực lượng giáo dục cho nhà trường còn rất nhiều hạn chế bởi một phần vì ý thức của người dân nơi đây chưa cao, một phần vì cuộc sống của đại đa số họ còn khó khăn. Tuy vậy, theo anh quan  niệm: “Bất kì một sự đóng góp nhỏ nào của người dân cũng cần huy động, cần tiếp nhận và trân trọng nó để dần dần cho người đồng bào dân tộc thấy rằng họ cần phải tham gia vào quá trình xã hội hóa giáo dục, để họ thấy trách nhiệm của mình đối với giáo dục của con em. Từ đó giảm bớt sự ỷ lại, giao phó hoàn toàn cho nhà trường và giáo viên, cho chính quyền”.

Thầy Ánh trong một lần đón đoàn thiện nguyện từ TP.HCM

         Hiện tại anh là Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Sơn Bua, mãnh đất cực tây của tỉnh, giáp với các tỉnh bạn. Đây là một trong những ngôi trường khó khăn nhất của huyện nhà.

         Tuy vậy, sau hơn 3 năm quản lí tại đơn vị mới anh đã đem lại sự phát triển và thay đổi đến mức ngạc nhiên đối với ai đã từng công tác ở nơi đây. Mỗi khi có khách đến thăm, hoặc giáo viên cũ về thăm lại trường họ đều bất ngờ đến ngạc nhiên về sự thay đổi rất tích cực của trường: toàn bộ sân trường được bê tông hóa, cổng trường hoành tráng được xây dựng, cảnh quan sư phạm được tu bổ và xây dựng, một dãy phòng mới khang trang được dựng nên, khu nhà ăn mới hiện đại được xây dựng,… Khi mà trước đó ngôi trường còn mang nét cổ kính như cái vốn có của nó như ngày đầu mới thành lập: phòng ốc tạm bợ, sân trường ngổn ngang, cổng trường lụp xụp,.. Nhưng thứ mà tôi ấn tượng hơn cả là từ sự thay đổi từ học sinh, hằng năm vào đầu năm học mới xuất phát từ sự thấu hiểu những thiếu thốn và khó khăn của học sinh, nhiều em không có đồ dùng học tập, thiếu áo mưa, cặp sách, nhiều em đi học với bàn chân trần trong cái rét buốt khắc nghiệt của vùng cao. Thế là bằng tình thương, bằng tài vận động, kêu gọi của anh mà có rất nhiều nhà tài trợ từ khắp mọi miền tổ quốc về hỗ trợ thiện nguyện cho học sinh của trường. Nhìn những bộ quần áo mới, những chiếc áo khoác dày sộp, những đôi dép mới tinh, những chiếc cặp sách bền đẹp của tất cả học sinh của cả 2 cấp học của trường thì khó có ai có thể ngờ tất cả nó là những món quà của các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em.

Tấm áo ấm – món đồ “xa xỉ” đối với học sinh vùng cao, hình ảnh
không dễ gì thấy được đối với các trường khác trên địa bàn.

         Năm học 2020-2021 là năm học mà nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ lớn nhất, có đoàn hỗ trợ với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, một con số khủng đối với một sự hỗ trợ ở địa bàn Sơn Tây từ xưa đến giờ mà chưa đơn vị trường nào làm được. Sự thành công trong công tác vận động ấy đã được lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo biểu dương và đánh giá rất cao.

         Ngay đầu năm học 2021-2022, nối tiếp thành công từ sự vận động các nguồn lực cho giáo dục của nhà trường, qua vận động của anh mà Công ty Vinaconex – đơn vị thi công nhà máy thủy điện Đăk Ba huyện Sơn Tây đã đồng ý hỗ trợ gần 20 mét khối bê tông với tổng giá trị hơn ba chục triệu đồng để hỗ trợ nhà trường lát sân bằng bê tông để góp phần làm cho môi trường, cảnh quan nhà trường thêm sạch sẽ, thuận lợi cho học sinh học tập, hoạt động.

Hằng năm nhà trường nhờ sự vận động nên
nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn.

         Ngoài việc vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh trong trường, anh còn là một Hiệu trưởng rất hăng hái trong việc thường xuyên hỗ trợ và cùng với giáo viên đi vận động học sinh ra lớp, vận động phụ huynh tích cực hợp tác với giáo viên đưa con em ra lớp đảm bảo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Anh còn là người tích cực vận động sự hỗ trợ và ủng hộ của chính quyền trong các vấn đề giáo dục của nhà trường: hỗ trợ về cơ sở vật chất, tăng cường quĩ đất, hỗ trợ vận động học sinh ra lớp,… Chính quyền xã đã thành lập hẳn một ban hỗ trợ vận động học sinh ra lớp với thành viên là đại diện các ban đoàn thể của xã để hỗ trợ nhà trường. Ban vận động ấy được thành lập và hoạt động gần 2 năm nay và đã có bước đầu hiệu quả góp phần tăng tỷ lệ học sinh ra lớp của nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục.

         Có thể nói, thành công và diện mạo ngày hôm nay của trường PTDTBT TH&THCS Sơn Bua đều có dấu ấn rõ nét về tài dân vận của anh. Một điển hình cần tuyên dương và nhân rộng.

(Đ.N.L – Sơ thảo, hỗ trợ tư liệu viết bài dân vận khéo. Lưu ý: Không copy nguyên văn)