Đóa hoa rừng 10 năm ở mãnh đất Sơn Bua

Lượt xem:

Đọc bài viết

“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi
Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương
Có những bài ca nghe rạo rực lòng người
Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em – người giáo viên nhân dân.”

        Cứ đến những ngày tháng 11 hằng năm thì bài ca ấy lại vang lên trên khắp cả nước. Lời ca chân thật, lãng mạn len lõi từ mọi giảng đường ở thành thị cho đến các lớp học tạm bợ vắt vẻo trên lưng chừng núi, lưng chừng đèo ở vùng sâu vùng xa, lan ra tận biên cương và hải đảo của tổ quốc. Lời ca ấy mộc mạc giản dị nhằm ca ngợi những hy sinh của một nghề cao quí nhưng cũng đầy vất vả và gian lao – nghề nhà giáo.

        Ngành giáo dục Sơn Bua đã có tuổi đời hơn 12 năm xây dựng và trưởng thành, nơi đây đã đón không biết bao nhiêu bông hoa từ miền xuôi lên công tác và cũng từng ấy lần phải bịn rịn chia tay, một phần vì các thầy cô giáo có nguyện vọng về quê, một phần vì không chịu nổi sự khó khăn và khắc nghiệt ở nơi đây, một trong những bông hoa còn sót lại là cô giáo Vương Thị Mỹ Kiêm.

        Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Quảng Ngãi, đến năm 2012 cô được tiếp nhận và phân công về công tác tại trường Tiểu học Sơn Bua, nay là trường PTDTBT TH&THCS Sơn Bua. Rời làng quê nghèo khó thuộc xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh hành trang lên non của cô gái tuổi đôi mươi khi ấy là một ít đồ dùng cá nhân, vài cuốn sổ và tình cảm yêu thương nơi quê nhà. Và thứ có giá trị hơn hết trong hành trang ấy là lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cho giáo dục.

Nhà ăn tập thể giáo viên Sơn Bua năm 2013

        Cũng như nhiều giáo viên khác, khi được phân công về trường Tiểu học Sơn Bua, cái khó khăn đầu tiên mà cô phải đối mặt đó là đường đi vất vả, từ trung tâm huyện đến trường chưa đến 20 cây số mà phải đi mất thời gian đến hơn gần 2 giờ đồng hồ. Tiếp đến là khó khăn trong điều kiện công tác, điều kiện ăn ở, có phòng công vụ với 15 mét vuông mà chứa đến gần 10 giáo viên. Thậm chí có lần lãnh đạo ngành giáo dục còn gọi ví von đây là phòng “hậu sản” bởi số lượng giáo viên nữ nhiều, sau khi thực hiện thiên chức làm mẹ làm vợ thì hành lí các cô mang theo lên lại sau các lần ấy có thêm các thành viên nhỏ, vì thế các phòng công vụ vừa là nơi ở, vừa là nơi chăm trẻ. Những em bé lớn lên trong những năm tháng ở đây có hơi ấm của nhiều người là đồng nghiệp của mẹ, mùi khăng khẳng của núi rừng và cả mùi bụi phấn vương trên tóc của họ nữa.

        Mùa này, trời Sơn Bua luôn mưa nặng hạt, đường sá thêm lầy lội, rét buốt thịt da nhưng vẫn không ngăn được những bước chân của các giáo viên vùng cao. Trên đỉnh đồi Nước Tang, điểm cực tây của tỉnh Quảng Ngãi, nơi giáp ranh tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, tiếng học trò vẫn ê a tập đọc. Cô Kiêm sau nhiều năm luôn là người xung phong giảng dạy lớp 1, lớp học mà vất vả nhất trong các lớp ở tiểu học. Ở đó, đòi hỏi giáo viên phải thật sự nhiệt tình, chịu khó, biết yêu thương con trẻ, cần mẫn nắn nót cho các em từng cách cầm bút, hướng dẫn từng nét chữ đầu tiên, tập cho các em những câu giao tiếp bằng Tiếng Việt. Càng khó khăn hơn khi nhà trường tổ chức bán trú, học sinh ăn ở tại lớp, cô lại vừa là cô giáo vừa là mẹ, nhiều em chưa tự ăn uống được thì cô phải bón, phải vệ sinh cho các con. Giấc ngủ trưa của cô lúc nào cũng không trọn vẹn vì các em chưa quen ngủ ở trường, nhiều em còn nhớ nhà khóc đòi mẹ, một số em khác lại ị đùn ra quần lại phải tự tay cô chăm sóc.

Lớp học tạm bợ mượn nhà dân

        Vất vả là thế, song nhờ sự nhiệt tình, lòng nhiệt huyết và cả trách nhiệm của mình nữa nên mặc dù đến thời điểm hiện tại nhiều giáo viên cùng về trường cùng thời điểm của cô đã thuyên chuyển về đồng bằng, về vùng thuận lợi thì cô Kiêm vẫn gác lại trách nhiệm với gia đình, nỗi nhớ chồng con để tiếp tục gắn bó với con trẻ nơi đây.

        Chính nhờ sự nổ lực ấy mà công sức của cô đã được đền đáp và ghi nhận, nhiều năm liền đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, vinh dự đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhưng có lẽ phần thưởng quí giá nhất đối với cô là sự tiến bộ của học sinh, sự tin yêu của học sinh, phụ huynh gần 10 năm qua ở nơi đây.

        Ngày này, trong khi khắp cả nước đang gồng mình chống dịch song trên đường phố, những cửa hàng bán hàng lưu niệm đã tràn ngập sắc hoa nhằm chuẩn bị cho một ngày lễ ý nghĩa nhất. Ở đâu đó trên mãnh đất cực tây của một tỉnh nghèo thì không khí chẳng có vẻ khác là bao như cái vốn có của nó từ bao đời nay nên đôi lúc người giáo viên ở miền núi không khỏi cảm thấy chạnh lòng so với đồng nghiệp của họ ở vùng thấp. Vốn dĩ cuộc sống của đồng bào tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, cái ăn cái mặc chưa thật đủ no ấm thì việc con trẻ đến trường đầy đủ và có tiến bộ là được xem như một tín hiệu vui, một sự phát triển vượt bậc so với hơn 10 năm trước rồi. Ấy vậy nên những đóa hoa rừng mà các em dâng tặng cho các thầy cô ở miền núi là món quà có giá trị to lớn vô cùng. Nó như một sự ghi nhận của các em, của xã hội đối với thầy cô mà còn là sự minh chứng cho sự phát triển trong tư tưởng và suy nghĩ của người miền cao về giáo dục. Những bông hoa ấy, cùng với các bông hoa “người” khác tạo thành cả vườn hoa đầy sắc màu trong dịp hiến chương ý nghĩa này.

Những đóa hoa rừng do chính tay các em dâng tặng cô Kiêm

        Hy vọng cùng với đóa hoa còn sót lại này cùng với nhiều đóa hoa trẻ khác sẽ mang lại những dấu hiệu tích cực với giáo dục vùng cao Sơn Bua còn lắm nỗi vất vả và khó khăn này./.

(Đ.N.L)