Chuyện chưa kể về người thầy có tuổi nghề lâu nhất nhì của giáo dục Sơn Tây

Lượt xem:

Đọc bài viết

        Những ngày này trên khắp cả nước nô nức và long trọng dành những tình cảm trân trọng nhất cho một ngành cao quí – ngành giáo dục. Năm học mà cả nước nói chung và toàn ngành nói riêng đang căng sức chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ phát triển đất nước. Nhắc đến giáo dục vùng cao Sơn Tây, người ta thường ấn tượng với những giai điệu hào hùng của ca khúc Hành Trình, với mốc thời gian khai giảng năm học mới đặc biệt, ngày khai giảng không giống với mọi miền tổ quốc khác, khai giảng ngày 5.01.1995. Nhưng trước đó không thể không kể đến những nhân chứng sống của mãnh đất Sơn Tây còn là một phần của huyện Sơn Hà. Một trong những nhân chứng ấy là thầy giáo Nguyễn Ngọc Huề.

Thầy Huề – chính giữa hàng sau – là một trong những người có đóng góp
lớn cho việc xây dựng trường Chuẩn Quốc gia đầu tiên của huyện, trường Tiểu học Sơn Mùa

       Chắc hẳn ai đã từng công tác tại địa bàn miền núi huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đều đã được nghe kể về đoàn quân Tây Tiến (cách gọi của nguyên lãnh đạo Phòng giáo dục Sơn Tây về lứa giáo viên gồm 57 giáo viên mới tuyển dụng nhằm tăng cường đội ngũ cho giáo dục của một huyện non trẻ vừa mới thành lập năm 1994 này). Thật ra trước đoàn quân này vẫn có sẵn một đoàn quân thường trực khác sẵn có trước ngày chia tách huyện (khi đó là huyện Sơn Hà), vẫn đang thực hiện nhiệm vụ giáo dục hay còn gọi là giáo viên cắm bản đã có mặt trên mãnh đất này từ rất sớm, một trong những người ấy là thầy giáo Nguyễn Ngọc Huề – Nguyên hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Dung, Sơn Mùa II, Sơn Mùa I, Sơn Liên, Sơn Long và hiện tại là Phó hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Sơn Bua.

         Có mặt trên mãnh đất nhọc nhằn Sơn Tây từ mùa thu năm 1993 – khi mà mãnh đất phía tây Sơn Hà còn nhiều hoang sơ có một thầy giáo trẻ, dáng người thấp bé nhưng nhanh nhẹn đã có mặt từ sớm với túi hành lí vỏn vẹn 2 bộ quần áo, chút lương khô và 1 quyển sổ ghi chép. Bởi trong cái khó khăn gian khổ, cái gập ghềnh của dòng sông Rin và sự cheo leo của trùng trùng ngọn núi thì hành lí ấy là quá đủ đối với một người giáo viên vùng cao, thứ đem theo giá trị nhất đó là tri thức và lòng nhiệt huyết với nghề, là tinh thần cống hiến cho giáo dục vùng cao, đem con chữ cho mãnh đất còn thiếu hoa hồng. Điểm bắt đầu cho hành trình dài gần 28 năm của người thầy ấy là mãnh đất Sơn Dung, nơi con sông Rin vắt ngang như dải lụa giữa núi rừng.

          Nói về nỗi vất vả ở một miền cực tây của một tỉnh khó khăn ở thập niên 90 có lẽ nhiều người trung niên có thể tưởng tượng nỗi, đó là đường núi cheo leo, mây mù ngập cửa, rét buốt thịt da và sốt rét, thứ đặc sản rừng núi mà thế hệ trước ai cũng từng nếm trải. Có lẽ đến hiện tại để tìm ra những người giáo viên thuộc vanh vách từng ngọn dèo, từng con suối bé nhỏ bắt nguồn từ những ngọn núi, mùa hè cạn khô, mùa mưa lũ lụt, núi lở, bồi đắp và cả các điểm trường trong thời gian khó ấy nào là đỉnh Hoắc Liên, dốc ông Phó, đỉnh Hà Peo, xóm ông Lợi,… để kể cho thế hệ giáo viên trẻ nghe cả ngày thì chẳng còn là bao. Ấy vậy mà người thầy ấy lại thuộc, lại kể vanh vách không chỉ một mà tất cả các địa điểm của tận 5 xã của huyện miền cao này.

         Nhắc đến thầy, hiện còn nhiều già làng của cả 5 xã khu tây của huyện vẫn còn nhớ như in. Có già bảo: “Thời ấy, việc vận động con trẻ ra lớp khó khăn lắm, nhiều phụ huynh vì còn khó khăn nên chưa muốn con đi học để con ở nhà phụ giúp, có chăng cũng cho đi học đươc bữa hay bữa vì cái đói còn ám ảnh quá nên việc học chưa quan tâm mấy. Ấy vậy, thầy hiệu trưởng ấy đến từng nóc nhà, dự nhiều cuộc họp nói nghe hay lắm, già nào cũng ưng bụng thế là không ai bảo ai về tự giúp thầy vận động con trẻ đến trường”. Nhiều thế hệ lãnh đạo ở địa phương các xã đều đã từng là học trò của thầy, mỗi khi nhắc đến thầy họ đều dành một thái độ và tình cảm trân trọng nhất. Có lẽ “vũ khí” mạnh nhất của người thầy ấy đó là sự am hiểu văn hóa địa phương, đó là sự nắm bắt tâm lí mềm dẽo và hòa đồng với đồng bào nên mới nhận được sự ủng hộ to lớn đến thế.

         Còn nhớ năm 2010 khi ấy thầy đang là Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Liên, một trong các những xã khó khăn nhất của huyện. Địa bàn xã phân tán rất rộng và khó khăn, nhiều nơi chưa có điện lưới, di chuyển khó khăn, không sóng điện thoại, nhiều nơi ban đêm còn chìm trong ánh lửa bập bùng như hàng ngàn năm trước đó. Có điểm trường nằm cạnh ranh giới tỉnh Kon Tum, mùa nắng giáo viên phải đi hàng chục kí lô mét đường rừng, còn mừa mưa thì khó khăn gấp bội do sạt lở đất nên giáo viên để bám trường bám lớp phải đi thuyền rất nguy hiểm qua lòng hồ thủy điện ĐăkRinh để sang đất Kon Tum rồi từ đó vòng qua được điểm trường để giảng dạy. Các thầy cô giảng dạy ở đây phải đi về hằng ngày giữa điểm trường chính và điểm trường lẻ với tổng quãng đường gần 100 km. Điểm trường lẻ chỉ vỏn vẹn 2 phòng học với khoảng sân chật hẹp, không có quỹ đất để xây dựng nhà công vụ hoặc một phòng ở tạm cho giáo viên, chính quyền địa phương nhiều năm đau đầu chưa tìm ra cách giải quyết. Xuất phát từ sự thấu hiểu nỗi vất vả đó của giáo viên, thầy là người tiên phong đứng ra vận động bà con nhân dân hiến đất để dựng nhà công vụ tạm cho giáo viên ở tại điểm trường để giảng dạy, hạn chế sự di chuyển vất vả và khó khăn của giáo viên. Chỉ trong một đêm họp cùng bà con tại khu dân cư này, với sự vận động chí tình đạt lí của thầy mà người dân đồng ý ngay việc hiến gần 50 mét vuông đất để xây dựng cho giáo viên một căn nhà tạm để ở nhằm đảm bảo sự giảng dạy cho con em.

Thầy Nguyễn Ngọc Huề trong một lần cùng giáo viên trường tiểu học Sơn Liên đi thuyền
qua lòng hồ thủy điện ĐăkRinh để sang đất Kon Tum rồi vòng sang sườn tây Quảng Ngãi để dạy học.

          Đã có nơi ăn ở cho giáo viên tại điểm trường khó khăn, nhưng giáo viên không thể ở mãi nơi ấy được khi mà mùa mưa sạt lở nặng thì giáo viên và người dân tại điểm trường Đăk Đoa bị hoàn toàn cô lập, thiếu lương thực chỉ ăn rau rừng cầm hơi chờ thông đường. Vì vậy lần này tiếp tục phải tìm cách mở đường để đảm bảo thông suốt. Thế là một bài toán khó khác cần phải giải quyết mà chưa biết chắc khi nào sẽ giải xong.

          Anh Trần Đông Phong (nguyên chủ tịch UBND xã Sơn Liên) nhớ lại: “Khi ấy Ủy ban xã và Đảng ủy có tổ chức cuộc họp dân tại khu Đăk Đoa để vận động người dân hiến đất mở đường, vừa đảm bảo thông suốt để bà con giao thương buôn bán nông sản, vừa để bà con giảm bớt vất vả khi phải đi thuyền hoặc đi bộ hàng chục kí lô mét đường rừng để về trung tâm xã và huyện. Cuộc họp khi ấy, sau khi chủ tịch và bí thư cùng các đoàn thể triển khai hơn 1 giờ đồng hồ, đến phần ý kiến nhân dân thì không một ai lên tiếng. Hầu như người dân không đồng tình việc này, có lẽ vì chưa ủng hộ hoặc người dân nơi đây đã quen với việc được nhận đền bù giá cao như đã nhận khi có đập thủy điện xây dựng tại địa phương, mà nguồn kinh phí để đền bù và mở đường nếu theo áp giá đền bù thì địa phương lấy đâu ra. Tưởng chừng cuộc họp bế tắc, người dân lại phải bị cách biệt với thế giới bên ngoài, không có đường để giao thương. Bất ngờ thầy Huề (khi ấy là Đảng ủy viên, được đảng ủy giao phụ trách các vấn đề giáo dục của xã) xin ý kiến”

           Anh Phong nhớ lại: “Phải nói là ý kiến thầy Huề khi ấy rất táo bạo, khi thầy nói mà đại diện chính quyền chúng tôi toát mồ hôi, nơm nớp sợ phản tác dụng song không ngờ có hiệu quả thật sự. Thầy bảo: Qua cuộc họp, tôi thấy bà con tất cả đều chống đối với chính sách của Đảng, nhà nước, thậm chí có biểu hiện của sự “chống phá,…” vì bởi lẽ Bác Hồ đã từng dặn dò Đảng ta “làm sao cho nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được tự do học hành”, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn cho đồng bào dân tộc nơi đây như xây dựng nhà 135, 30a, 167, cấp phát gia súc gia cầm để bà con phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo nhưng bà con lại chưa lo làm ăn, gỡ dần nhà để bán, bắt gia cầm gia súc vừa được cấp để bán lấy tiền uống rượu, sau đó dẫn con cái vào rừng để ở và khai hoang trong đó, gây khó khăn cho việc vận động con em đi học, khó khăn cho việc họp hội để triển khai các chính sách, các vấn đề quan trọng của địa phương. Vì vậy có thể thấy bà con chưa ủng hộ Đảng, đi ngược lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu, không ủng hộ cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cho chính lợi ích của bà con,…”. Không khí cuộc họp khi ấy lắng xuống khoảng vài phút, thế rồi bắt đầu có vài cánh tay giơ lên, người dân xin ý kiến. Hầu hết có ý kiến rút kinh nghiệm về việc ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ nhà nước, rút kinh nghiệm về việc chưa ủng hộ các quyết sách của địa phương, họ hầu hết ủng hộ ý kiến của thầy Huề. Không khí cuộc họp lúc ấy bắt đầu nóng lên, người dân ý kiến và bàn tán sôi nổi về việc mở đường như thế nào, rộng dài ra sao, ai nấy đều đồng ý việc hiến đất để mở đường thuận lợi cho việc di chuyển về trung tâm xã, thuận lợi buôn bán cái củ mì, cái quả chuối, con gà, con heo,… Thế là cuộc họp lại kéo dài đến 7 giờ tối song ai nấy đều mừng rỡ, nhờ ý kiến táo bạo và quyết liệt của thầy Huề mà cuộc họp thành công hơn dự kiến, đều mà chúng tôi dự kiến sẽ mất rất nhiều tháng, thậm chí hàng năm hoặc nhiều năm mới có thể vận động mà chưa hẵn đã thành công”.

           Nhờ uy tín và xuất phát từ năng lực quản lí khi ấy, thầy liên tục được điều động và thường xuyên chi viện cho các trường mới thành lập, lúc thì hiệu trưởng Sơn Mùa I, khi chi viện Sơn Mùa 2, có lúc chi viện cho cả trường mầm non Sơn Mùa. Chính vì vậy mà tại lễ kỉ niệm 20 năm ngày tái huyện thầy đã vinh dự được khen thưởng đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển huyện Sơn Tây. Đến năm 2017 thầy tiếp tục được khen tặng danh hiệu đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển huyện Sơn Tây giai đoạn 2012-2017 nhân lễ kĩ niệm 60 năm ngày thành lập huyện. Những phần thưởng trên cùng với kho thành tích đồ sộ trong suốt hơn 28 năm công tác đã ghi nhận và minh chứng rõ nét cho sự đóng góp cho nền giáo dục huyện Sơn Tây của thầy, một người thầy trong những ngày trước giao thời chia tách huyện.

         Sau hơn 28 năm công tác, qua nhiều vị trí và trải qua rất nhiều đơn vị nhưng cảm nhận và tình cảm của đa số giáo viên, cán bộ địa phương và học sinh, phụ huynh những nơi thầy từng công tác đều dành cho thầy những tình cảm kính trọng nhất. Hiện tại người thầy ấy vẫn cần mẫn cống hiến tinh thần, trí lực cho sự nghiệp giáo dục của vùng cao này, phải chăng nên dành sự trân quí cho một trong những người thầy trước đoàn quân Tây tiến.

          Gần 30 năm tuổi đời của giáo dục vùng cao Sơn Tây, mãnh đất hay được ví von là nhiều năm không thấy hoa hồng cũng bởi có lí do thực sự của nó. Trong khi các vùng miền khác, mùa Hiến chương nhà giáo là ngày mà toàn xã hội tôn vinh người thầy, cùng với đó là nhiều loài hoa sắc màu được dâng lên đội ngũ này như một lời tri ân ngưỡng mộ nhất, ấy vậy mà mãnh đất Sơn Tây vốn gian khó này thì một nhánh hoa rừng, hoa dại bên dường mà học sinh dâng tặng thầy cô cũng đều rất đáng trân quí. Dù là hoa dại song mỗi bông hoa cũng đại diện cho sự thành công của nền giáo dục đang phát triển và chuyển mình mạnh mẽ này.

      Một chút tri ân những người thầy, những vị lãnh đạo đã dốc hết sức lực và trí tuệ cho sự phát triển cả giáo dục của huyện miền núi Sơn Tây, trong đó có cả sự hy sinh máu và nước mắt của một số thầy cô thuộc thế hệ đầu tiên của giáo dục huyện nhà đã mãi để lại tuổi thanh xuân ở nơi này./.

(Đ.N.Lanh)